Phần thi chó Phú Quốc đẹp hệ phong trào diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm và Lễ hội Quốc tế thú cưng lớn nhất Việt Nam - InterPetFest 2025 vừa qua, hình ảnh đôi bạn khuyết tật Y Nam và chú chó tên Y Nâu khiến nhiều người xúc động.
Lần đầu tiên tham gia lễ hội đông người và nhiều chó lạ, Y Nâu rụt rè, chỉ thích nằm dưới xe lăn của Nam. Vì chân đi lại khó khăn nên dù không tự tin thể hiện phần thi trình diễn, BTC vẫn quyết định trao giải khuyến khích cho Y Nâu nhờ đáp ứng các tiêu chí sức khoẻ.
Đôi bạn Y Nam và Y Nâu chuẩn bị tham gia phần thi chó Phú Quốc đẹp
Ảnh: Phan Diệp
Thương chú chó khuyết tật như mình
Y Nam người dân tộc Ba Na, hiện làm nhân viên phụ trách viết các dự án từ thiện cho trẻ em, người khuyết tật ở tổ chức Nhà May Mắn - Maison Chance (ở Q.Bình Tân), thành lập năm 1993 bởi bà Aline Rebeaud (Hoàng Nữ Ngọc Tim). Tổ chức là "bàn đạp" cho những người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Việt Nam, trong đó có Y Nam.
Cô gái 26 tuổi đến từ tỉnh Kontum, phải ngồi xe lăn sau một cơn sốt năm 14 tuổi. Kể từ đó, cô đến sinh sống tại Nhà May Mắn, được tổ chức nuôi ăn học. Tốt nghiệp đại học, Y Nam quyết định quay lại nơi đã cưu mang mình để cống hiến cho sự phát triển của tổ chức.
Tháng 10 năm ngoái, cấp trên của Y Nam nhắn tin cho cô nói chi nhánh của Nhà May Mắn ở Đắk Nông có một chú chó Phú Quốc đẻ được 9 con. Trong đó, 8 con khỏe mạnh đã có chủ nhận nuôi, chỉ còn lại 1 con bị khuyết tật.
"Trước đây, mình từng nuôi một chú chó nhỏ nhưng vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên mất sớm. Sợ cảm giác mất mát, chia ly, mình dặn lòng không nuôi thêm con chó nào nữa", Nam nói.
Lần đầu đến chỗ đông người, chú chó chỉ muốn ngồi trên chân chủ.
Ảnh: Phan Diệp
Trước đây, Y Nam nghĩ chó mèo được là nuôi ở nhà đã được yêu thương, không nghĩ thú cưng cũng có sân chơi riêng.
Ảnh: Phan Diệp
Nam yêu chó, nhưng cũng khá lưỡng lự. Phần vì cô đi lại khó khăn, nuôi thêm chó đồng thời cũng phải tốn thêm các chi phí. Hơn nữa, giống chó Phú Quốc vốn năng động, thích chạy nhảy, Nam sợ đưa Nâu về TP.HCM thì chú chó sẽ buồn. Nhưng khi gặp Y Nâu trong chuyến công tác ở Đắk Nông sau đó, cô gái thay đổi ý định. Thấy chú chó cũng khuyết tật như mình nhưng khoẻ mạnh, thích chạy nhảy tự do ở vườn rau, Nam có cảm tình ngay lập tức.
"Thôi thì nhà có gì ăn đó, chó không chê chủ nghèo", Nam nói rồi quyết định đem Y Nâu về nuôi.
Hằng ngày, khi Nam đi làm, Nâu ở nhà. Chiều về, cô gái dẫn chú chó đi dạo trong khoảng sân rộng của Làng May Mắn hoặc công viên gần nhà. Y Nam, chia sẻ, ngoài 2 người bạn cùng phòng, cô không có nhiều bạn bè. Trong cuộc sống và công việc thường ngày không tránh khỏi có lúc buồn, cần người chia sẻ. Vậy là cô gái đem kể với chú chó.
"Tuy không hiểu nhưng mình có cảm giác chú chó muốn lắng nghe mình nói. Y Nâu chịu ngồi yên, vểnh tai tỏ vẻ nghe hết những điều mình nói. Nhờ vậy, mình thấy nỗi buồn vơi đi phần nào", Nam nói.
Chị Tuệ Minh giúp đồng hành cùng Y Nâu trong cuộc thi.
Ảnh: Phan Diệp
Có lần, Nam vào nhà vệ sinh và bị té ngã. Thấy có tiếng động mạnh, Y Nâu vừa cào cửa vừa sủa lớn, gạt cửa xếp qua một bên để tìm chủ. Nhờ vậy mà người hàng xóm ở gần phòng Nam kịp chạy đến dìu cô dậy.
Chị Tuệ Minh - người bạn chung phòng ở Nhà May Mắn và cũng là người đưa Nam và Nâu đến lễ hội chia sẻ: "Trước đây mình không thích chó mèo. Khi Nam ngỏ ý muốn nuôi chó trong phòng, mình sợ bạn ấy sẽ không chăm sóc được vì đi lại khó khăn. Tuy nhiên, tình yêu thương những người bạn khuyết tật như Nam, cũng khiến mình đồng cảm, thấy thương chú chó. Nâu là động lực để Nam vươn lên".
Hình ảnh đẹp của chú chó Phú Quốc
Y Nâu là chó cái, sợ nếu mang bầu, sinh ra nhiều chó con thì bản thân không thể chăm sóc xuể nên Nam quyết định triệt sản cho chú chó của mình. Rút kinh nghiệm từ chú chó đã mất trước đây, lần này Nam thay đổi cách chăm sóc, tham gia các hội nhóm thú cưng, học hỏi kinh nghiệm.
Nhờ vậy mà cô biết đến lễ hội thú cưng hôm 22.2 nên quyết định dẫn Y Nâu đi giao lưu. Ban đầu, Nam không định đăng ký cho chú chó của mình dự thi vì tự ti về ngoại hình khuyết tật, cuộc thi lại dành cho "chó đẹp". Được sự động viên của người bạn và những vị khách tham gia lễ hội, Nam đăng ký thi vào phút chót.
Chị Thanh Nhàn (30 tuổi, ở Q.7) là một vị khách chứng kiến phần dự thi của Y Nâu cho biết: "Mình thấy khâm phục nghị lực của bạn chủ nuôi, dù ngồi xe lăn, đi lại khó khăn nhưng vẫn dành thời gian chăm sóc chú chó tật nguyền. Tình cảm của con người dành cho một chú chó không hẳn là vì nó đó đẹp, ngoan mà vì đơn giản là vì chúng xứng đáng được yêu thương".
Chú chó Y Nâu với khuôn mặt hạnh phúc khi bên cạnh chủ nhân lúc ở nhà.
Ảnh: Y Nam
Đôi bạn đồng cảnh ngộ gắn bó bên nhau.
Ảnh: Phan Diệp
Đến lễ hội, Nam không ngờ thú cưng cũng có cơ hội tham gia các sự kiện lớn, quy mô tầm cỡ quốc tế. "Đây là cơ hội để mình học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc cũng như các sản phẩm tốt dành cho thú cưng. Mình sẽ tìm hiểu để áp dụng vào chăm sóc cho Y Nâu", Nam nói.
Bà Lieu Nhan - trưởng BTC Triển lãm và Lễ hội Quốc tế thú cưng lớn nhất Việt Nam - InterPetFest 2025 cho biết lễ hội thu hút nhiều bạn bè quốc tế từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… đến tham dự, giới thiệu sản phẩm của họ với người dân Việt Nam. Tại sự kiện lần này, BTC đặc biệt dành 2 phần thi dành riêng cho chó Phú Quốc - một giống chó nổi tiếng của Việt Nam với xoáy trên lưng để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Chú chó Phú Quốc khuyết tật cùng người chủ ngồi xe lăn đến tham gia sự kiện là hình ảnh đẹp, minh chứng cho tình yêu thương động vật – thông điệp lớn nhất mà BTC muốn truyền tải.