Bình Dương nằm ở vị trí phía bắc của TP.HCM (giáp TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh) là địa phương không có sân bay và cảng biển. Diện tích tự nhiên của Bình Dương đạt 2.694 km2, dân số trên 2,7 triệu người.
Bình Dương được chia tách từ tỉnh Sông Bé (Sông Bé chia tách thành Bình Dương và Bình Phước) vào năm 1997 với xuất phát điểm là tỉnh thuần nông; chỉ có quốc lộ 13 là tuyến giao thông đường bộ huyết mạch, cùng một số tuyến đường tỉnh để vận chuyển hàng hóa xuống các cảng Cát Lái, Phú Mỹ…
Bình Dương là đô thị hiện đại
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Đến nay, nguồn thu ngân sách của Bình Dương (năm 2024) đạt trên 71.000 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước (trong nhiều năm liền), đạt trên 181,2 triệu đồng/người/năm.
Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (4 huyện và 5 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát) là đô thị hiện đại, trung tâm công nghiệp và thu ngân sách hàng đầu trong các thành phố trực thuộc tỉnh của cả nước.
Khu công nghiệp VSIP 2 ở TP.Thủ Dầu Một
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Cụ thể, thu ngân sách của TP.Thủ Dầu Một đạt trên 12.957 tỉ đồng năm 2024, lớn hơn các tỉnh lân cận và khu vực như Tây Ninh (12.905 tỉ đồng), Bình Thuận (10.700 tỉ đồng), Bình Phước (9.968 tỉ đồng).
TP.Thuận An thu ngân sách năm 2024 đạt 8.725 tỉ đồng, lớn hơn tổng ngân sách của 3 tỉnh cộng lại (Đắk Nông: 3.352 tỉ đồng; Yên Bái: 3.070 tỉ đồng và Kon Tum: 2.052 tỉ đồng).
Thu ngân sách của thành phố còn lại của Bình Dương cũng khá cao như: TP.Dĩ An: 7.671 tỉ đồng; TP.Tân Uyên: hơn 5.692 tỉ đồng; TP.Bến Cát: hơn 5.833 tỉ đồng…
Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương)
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Cơ cấu kinh tế của Bình Dương năm 2024 là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế từ các sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, tương ứng với tỷ lệ 64,93% - 25,08% - 2,73% - 7,26%.
Bình Dương dẫn đầu với số lượng khu công nghiệp và cụm công nghiệp lớn nhất
Bình Dương hiện có 30 khu công nghiệp (KCN) và 8 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần như 100%. Là một trong những địa phương tiên phong phát triển KCN với những KCN lâu đầu tiên và lâu đời như: Việt Nam – Singapore (VSIP), Becamex, Sóng Thần, Đồng An, Việt Hương…
KCN VSIP 3 ở TP.Tân Uyên (Bình Dương)
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Hiện các KCN Becamex, VSIP đã phát triển đầu tư xây dựng ra 13 tỉnh, thành trong cả nước.
Đến nay, Bình Dương đã xây dựng thêm nhiều tuyến đường quan trọng để vận chuyển hàng hóa, kết nối vùng Tây nguyên, TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh…, như: đường Mỹ Phước Tân Vạn; đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; đường Vành đai 3 và 4 TP.HCM; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một – Chơn Thành...
Cầu Thủ Biên - điểm đầu đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bình Dương
ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Bình Dương cũng đang triển khai dự án tiền khả thi tuyến Metro kết nối với TP.HCM; đường sắt Dĩ An – Bàu Bàng…
Tại Nghị quyết số 60 được Trung ương Đảng thông qua ngày 12.4 tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII), Trung ương Đảng đồng ý phương án sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Trong đó, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM; lấy tên là TP.HCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM hiện nay.